Cách trồng bí đao mang lại năng suất cao tại vườn
Cách trồng bí đao tại nhà đơn giản, mang lại nguồn thực phẩm sạch và bổ dưỡng cho gia đình. Bí đao là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng lại cho quả lớn, có thể sử dụng trong nhiều món ăn thanh mát. Chỉ cần chuẩn bị một ít đất, hạt giống và thùng xốp là bạn đã có thể bắt đầu trồng bí đao ngay tại khu vườn nhỏ của mình.
Những điều cần biết về bí đao
Bí đao, hay còn gọi là bí phấn, bí trắng, bí xanh, có tên khoa học là Benincasa hispida và thuộc họ bầu bí. Đây là loại cây dễ trồng, cho trái lớn, thanh mát và giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng trong nhiều món ăn và bài thuốc dân gian.
Để cây bí đao phát triển khỏe mạnh, cần tuân thủ những điều kiện môi trường nhất định:
- Nhiệt độ lý tưởng là từ 24℃ - 28℃.
- Độ ẩm phù hợp cho cây từ 65% - 80%.
- Đất trồng tốt nhất là đất thịt, phù sa với độ pH từ 6.5 - 8.0.
- Bí đao có thể trồng quanh năm ở những nơi có khí hậu ôn hòa, không quá nóng hay quá ẩm.
Thời gian gieo hạt lý tưởng cho cây bí đao gồm:
Vụ xuân hè: từ tháng 1 đến tháng 3.
Vụ thu đông: từ tháng 8 đến tháng 9.
Chuẩn bị trước khi trồng bí đao
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng các vật dụng có sẵn trong nhà như khay, chậu, hoặc thùng xốp có đục lỗ để thoát nước, hoặc trồng trực tiếp trên mảnh đất trống. Đảm bảo dụng cụ trồng có độ sâu và rộng để cây phát triển tốt.
Đất trồng
Bí đao phát triển tốt nhất trên các loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, và có độ pH từ 6.5 - 7. Các loại đất phù hợp bao gồm đất thịt nhẹ, đất cát pha. Bạn có thể tự trộn đất với các thành phần như vỏ trấu, xơ dừa, phân bò, phân gà, hoặc các loại phân hữu cơ khác để tăng cường dinh dưỡng và độ thoáng khí.
Hạt giống
Lựa chọn các giống bí đao phù hợp như bí đao chanh, bí đao xanh. Hạt giống dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng nông sản uy tín hoặc siêu thị. Chọn hạt giống khỏe mạnh, tỷ lệ nảy mầm cao để đảm bảo năng suất tốt.
Cách trồng bí đao
Bước 1: Ngâm hạt giống Ngâm hạt giống bí đao vào nước ấm theo tỷ lệ 2 phần nước sôi và 3 phần nước lạnh trong khoảng 5 giờ. Sau đó, rửa sạch hạt giống để loại bỏ các tạp chất.
Bước 2: Ủ hạt giống Sau khi ngâm, cho hạt vào một chiếc khăn ẩm, bọc kín và ủ trong thời gian cho đến khi thấy hạt nứt nanh. Đây là dấu hiệu hạt đã sẵn sàng để gieo.
Bước 3: Gieo hạt Tiến hành gieo hạt vào khay nhựa hoặc thùng nhựa với đất tơi xốp để ươm thành cây con. Đặt hạt cách đều để tạo khoảng không gian phát triển cho cây.
Bước 4: Phủ đất và tưới nước Sau khi gieo hạt, phủ một lớp đất mỏng lên trên hạt. Sử dụng bình phun để tưới nhẹ nước lên bề mặt đất, giúp giữ ẩm mà không làm trôi hạt.
Bước 5: Nảy mầm Sau 4 - 6 ngày, hạt giống sẽ nảy mầm và bắt đầu mọc từ 1 - 2 lá mầm. Đây là giai đoạn cây con cần được chăm sóc kỹ lưỡng.
Bước 6: Trồng cây vào thùng xốp Khi cây con phát triển ổn định, chuyển cây ra trồng vào thùng xốp có đục lỗ thoát nước. Đặt chậu cây ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp để cây phát triển tốt.
Bước 7: Tưới nước Tưới nước đều đặn cho cây 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và chiều mát. Lưu ý không tưới quá nhiều để tránh úng rễ.
Bước 8: Làm giàn cho cây Khi cây bí đao đã lớn, cần làm giàn bằng cây gỗ hoặc dây cáp để cây có thể leo và bám vào, giúp thân cây phát triển khỏe mạnh và không bị gãy.
Bước 9: Bón phân Trong quá trình cây phát triển, bón phân hữu cơ hoặc phân chuồng để cung cấp thêm dinh dưỡng giúp cây nhanh ra quả.
Bước 10: Thu hoạch Sau khoảng 60 - 65 ngày kể từ khi gieo hạt, cây bí đao sẽ ra quả và bạn có thể thu hoạch. Quả nên được hái khi còn tươi để giữ được độ ngọt và chất lượng tốt nhất.
Cách chăm sóc bí đao
Lượng phân bón cần thiết
Bón lót: Lượng phân chuồng từ 800 – 1000kg/sào, kết hợp với Đạm Urê (10 – 12kg/sào), Lân Super (15 – 18kg/sào) và Kali (10 – 12kg/sào). Bón toàn bộ phân chuồng, Lân, 1/4 Kali và 1/4 Đạm vào đất trước khi trồng.
Bón thúc lần 1: Khi cây bí đao leo hoặc ngả ngọn bò (30 – 40 ngày sau trồng), bón thêm 1/4 Kali và 1/4 Đạm để thúc đẩy sự phát triển.
Bón thúc lần 2: Diễn ra sau khi cây ra quả rộ (55 – 65 ngày sau trồng), bón 1/3 Kali và 1/3 Đạm để cung cấp dinh dưỡng cho quá trình đậu quả. Số phân còn lại hòa với nước phân chuồng loãng và tưới khi cây sinh trưởng kém.
Vun đất
Vun đất lần 1: Kết hợp với bón thúc khi cây được 30 – 40 ngày, giúp cây bám đất tốt hơn.
Vun đất lần 2: Khi cây ra hoa rộ, kết hợp với bón thúc để cây phát triển khỏe mạnh và ra nhiều quả.
Tỉa nhánh và định quả
Mỗi cây nên giữ lại 1 – 2 nhánh và mỗi nhánh để 1 – 2 quả. Khi quả đậu được 5 – 10 ngày, định số lượng quả sao cho mỗi gốc chỉ giữ lại 1 – 2 quả, giúp cây tập trung dinh dưỡng và phát triển tốt.
Phòng trừ sâu bệnh
Đối với sâu xanh và rệp, người trồng có thể sử dụng Ofatox 0,1% hoặc Oncol 20EC để phun cho cây.
Khi cây bị bệnh sương mai, phun thuốc Kasuzan, Zineb 80WP. Đối với bệnh phấn trắng, sử dụng Bavistyl 0,25% để phun bảo vệ cây.
Một số lưu ý sau khi trồng bí đao
Bón phân cho cây bí đao
Bón thúc lần 1: Khi cây ra được khoảng 2 - 3 lá, tiến hành bón 25% đạm và kết hợp xới nhẹ đất quanh gốc để giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Bón thúc lần 2: Khi cây phát triển đến giai đoạn có 6 - 7 lá thật, bón thêm 25% đạm và 25% kali để cây phát triển lá và thân tốt.
Bón thúc lần 3: Thực hiện trước khi làm giàn cho cây leo, giúp cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của dây và quả bí.
Tưới nước cho cây bí đao
Tưới nước từ 1 - 2 lần mỗi ngày vào lúc mát mẻ (sáng sớm hoặc chiều tối) để giữ độ ẩm cho đất và giúp cây phát triển nhanh chóng.
Tránh tưới nước quá nhiều trong những ngày mưa hoặc khi độ ẩm cao, vì có thể dẫn đến tình trạng ngập úng, gây hại cho cây và ảnh hưởng đến quá trình ra quả.
Với cách trồng bí đao tại nhà, chỉ cần kiên trì và thực hiện đúng kỹ thuật, bạn sẽ nhanh chóng có được những giàn bí xanh mướt, quả trĩu đầy. Bắt đầu ngay hôm nay để có những trái bí tươi ngon và sạch cho bữa ăn gia đình, vừa đảm bảo sức khỏe lại tiết kiệm chi phí đáng kể.